|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Thái Sơn là một trong số ít các xã có nhiều di tích nhất trên địa bàn huyện. Toàn xã có 08 di tích, trong đó 01 di tích cấp Quốc gia (Lăng đá họ Ngọ) và 07 di tích cấp tỉnh, cụ thể như sau:

* Lăng đá họ Ngọ: Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia

Lăng đá họ Ngọ - cùng với Lăng Dinh Hương (thị trấn Thắng), lăng Bầu (xã Xuân Cẩm) là những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu nhất của huyện Hiệp Hòa, được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp “Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá” cấp Quốc gia, theo Quyết định số 29/VH-QĐ ngày 13/01/1964. Lăng họ Ngọ ở thôn Thái Thọ - xã Thái Sơn là nơi lưu giữ thi hài Phương Quận Công Ngọ Công Quế. Lăng được xây dựng năm 1697, hình chữ nhật, rộng khoảng 400m2, cửa hướng Nam, ba mặt xây bằng đá ong. Mặt trước cổng lăng bằng đá muối (tức đá Sa Thạch, đá cát lấy ở núi Y Sơn) cao 2,15m, dày 1,4m. Vườn lăng trước có nhiều cây cổ thụ cao to. Sân lát gạch có hai lớp tường vây bọc. Phía ngoài hồ trước cửa lăng có một cổng nữa xây bằng đá muối, hai bên cổng là luỹ đất trồng tre (nay không còn cổng và luỹ nữa). Khu lăng hiện nay vẫn còn gần như nguyên vẹn, gồm nhà mộ - nhà bia - cổng ra vào khu mộ và cổng lăng.

Qua cổng vào là đường thần đạo, có các cặp đối diện như voi, ngựa, giám mã, nghê, bàn đá và hương án đều bằng đá. Nhà mộ (15,1m x 12,55m), chiều cao hình tháp, hai tầng mái, chóp hình vuông, bốn góc cong mũi hài. Bốn mặt tầng thấp trang trí hình nổi, giả cột vuông và con sơn. Có bốn bức tường bảo vệ, hai cửa ra vào cao 1,3m, dày 1,2m. Mặt trước mộ, khoảng chính giữa, trong khung hình chữ nhật đề 5 chữ Hán “Ngọ Tướng Công Chi Mộ”.

Nhà bia gần giống nhà mộ - bốn mặt có cửa tò vò trông vào 4 mặt bia, 2 bên cửa tò vò, ở cả 4 mặt đều có hình chạm nổi 2 con lân ngồi chầu. Trong nhà bia có 1 tấm bia đá xanh, hình hộp chữ nhật ở chính giữa nhà, 4 mặt bia nhìn ra 4 cửa. Nóc bia đội hẳn vào trần bia.

Cổng ra vào khu mộ - Khu lăng có tường bằng đá muối bao quanh, cổng ra vào ở phía trước. Mặt sau đối xứng với mặt trước có cổng giả. 4 góc mái cổng cong hình mũi hài, có hình cuộn xoắn ốc, bờ mái nổi cao, 2 đầu vểnh lên giả thanh đòn bằng gỗ. Trên vòm cong cửa có 3 chữ Hán to “Linh Quang Từ”, 2 bên có hình 2 võ sĩ trạm nổi.

Cổng lăng 2 tầng mái, hình thức giống cổng vào khu mộ nhưng 2 võ sĩ đá chạm nổi thì khác về tư thế, trang phục và cách tạo hình.

Những tượng người, thú, đồ thờ, văn khắc đều làm bằng đá cát (đá muối) như: 2 con lân nằm trông ra đường thần đạo, 2 con nghê ngồi đối diện nhau trước hương án, 2 tượng võ quan hầu, áo dài, đi hài, 2 con ngựa đứng có yên chuông nhạc, 2 con voi quỳ, 2 con chó (đã mất 1 con), 2 bàn đồ tế, 1 hương án, 2 sập, 1 bia (đá xanh) mang niên hiệu Lê Chính Hoà thứ 18 (1697).

Trên đất Kinh Bắc (xưa) duy nhất có Lăng họ Ngọ làm bằng đá muối (đá cát) loại đá cứng, khó làm (nhất là trạm khắc tinh xảo) chứng tỏ trình độ tư duy và tay nghề của các nghệ nhân khá cao.

* Lăng Chúa Đôi: Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Trên đất làng Thái Thọ còn có Lăng Chúa Đôi, tạo dựng vào giữa thế kỷ thứ XVII, là mộ thờ Đĩnh Quận Công Ngô Công Mỹ. Lăng đá bị hoang phế, chỉ còn rải rác một số ít di vật trên cánh đồng. Lăng (cũ) hình chữ nhật, mộ xếp bằng đá xanh, kè vuông (5m x 5m), 2 lớp, có pho tượng đá xanh người ngồi, mặc triều phục (bị cụt đầu). Có 2 con Sấu đá nằm đối diện qua đường thần đạo. Theo văn bia “Thụ am kiên đường lưu điện cung tự ký” - do Lại bộ Thượng thư Nguyễn Nghi soạn, dựng ở miếu Thái Thọ thì Đĩnh Quận Công Ngô Công Mỹ đã đem tiền, ruộng cho 3 xã Quế Trạo, Đức Thắng và Thù Sơn để dựng 2 am thờ (số ruộng là 44 mẫu). Dân để lại 4 mẫu để làm ruộng hương hoả. Đặc biệt bài minh ở “Hiển khánh am bi” ghi công trạng của ông và có ghi 2 chữ “Việt Nam” là Quốc hiệu nước ta.

* Chùa Thái Thọ: Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Ở làng Thái Thọ ngoài lăng tẩm còn có quần thể kiến trúc đình - chùa với quy mô khá lớn, có nhiều giá trị. Đình được tạo dựng cuối thế kỷ XVII, thờ Nhập nội Thái phó Mai Quốc Công, diện tích chừng 360 m2 hướng Nam, gồm 3 gian đại đình với 4 hàng cột, 2 vỉ kèo giữa kết cấu thượng câu đầu cánh ác, hạ con chồng kẻ chuyền. 2 vì bên thượng cánh ác, hạ kẻ chàng. Đầu dư mõm kẻ, cửa võng chạm khắc tinh xảo. Hoạ tiết hình rồng. Đình còn ngai thờ, bài vị, án thờ, mâm bồng, cây nến, giá văn. Chùa được tạo dựng cũng khoảng niên đại với đình - cuối thế kỷ XVII, bố cục theo hình chữ nhật, gồm tiền đường 5 gian, 2 chái, kèo có kết cấu thượng con chồng, hạ kẻ chuyền, có chạm khắc. Phật điện 3 gian 2 chái, 2 vì kèo giữa theo kiểu thượng câu đầu cánh ác, hạ kẻ chồng cánh ác. Chùa còn có lư hương, án thờ, cây đèn, ống hương, ống hoa, đài trầu. Hơn 30 pho tượng phật làm vào đầu thế kỷ XIX. Vườn chùa có tháp đá ong Tịnh Quang nơi đặt xá lỵ của Diệu Giá Hiền Sư, có gắn bia (năm 1752) “Thái Thọ xã tự bi” do ông Nghè Trương Nguyễn Điều soạn, tạo năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) - thì Tổng Thái giám Hoàng Công Phụ là người bản xã, có nhiều công lao với triều đình, được chúa rất tin dùng, giao nhiều trọng trách, hay làm việc thiện, cúng cho làng 300 quan tiền sử 500 lạng bạc, 8 dật vàng và một số ruộng tốt. Dân làng tôn làm Hậu Phật . Hội Chùa được mở vào ngày 12 - 13 tháng giêng âm lịch hàng năm.

* Bia Từ Vũ

Thôn (làng) Quế Sơn có ngôi Từ Vũ, tạo dựng năm Canh Dần niên hiệu Chính Hoà (1690), thờ các vị tiên hiền của Thái Sơn. Có 2 dãy tiền tế và hậu đường, nay chỉ còn móng, gạch ngói và tấm bia. “Từ vũ bi ký” ghi sự lệ cúng tế và tên các vị tiên hiền - đó là: Nhập nội Thái phó Mai Quốc Công, Minh nghĩa Công thần Dương Quốc Công, Thám Hoa khoa Mậu Tuất Hoàng Sầm (1538), Đĩnh Quận Công Ngô Công Mỹ, Thái Sơn hầu Ngọ Công Văn, Phúc Sơn hầu Ngọ Công Tuấn, Phương Quận công Ngọ Công Quế.

* Đình Quế Sơn (Đình Bé): Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Đình làng Quế Sơn (Đình Bé) - dựng năm Đinh Tỵ (1737) thờ Cao Sơn Quý Minh Đại Vương, Thiều Dương công chúa, Diên Bình phu nhân. Xây dựng theo kiểu thượng cung, chỉ có toà đại đình 3 gian, bình đầu bít đốc. 2 vì kèo giữa theo kiểu thượng câu đầu chồng rường trụ giá chiêng, hạ con chồng kẻ đón. 2 vì kèo bên kiểu thượng con chồng, hạ kẻ chàng. Các đầu dư mõm kẻ, con chồng có chạm khắc hình rồng. Năm 2000 dựng thêm 3 gian hậu cung để ngai thờ, bài vị, đồ tế đồ thờ hiện còn 4 ngai thờ bài vị, 3 lư gốm thời Lê, cây đèn, cây nến, ống hương, đài trầu, đài rượu.

Đình Quế Sơn là nơi diễn ra hội nghị bầu Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời huyện Hiệp Hòa ngày 08/5/1945, đồng thời cũng là nơi tổ chức lễ thành lập Đại đội địa phương quân của huyện mang phiên hiệu C.29 (sau đổi là C.529). Đây là đơn vị vũ trang tập trung thoát ly đầu tiên của huyện. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Quế Sơn còn là nơi diễn ra một số sự kiện quan trọng nên được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 86/QĐ-CT ngày 30/01/2004.

* Chùa Chèo: Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Chùa Chèo - tức “Thánh Lộ tự” được xây dựng ở thế kỷ XVII. Chùa Chèo xưa là của 3 thôn: Quế Sơn - Thái Thọ - Đồng Tân. Cuối thế kỷ XVII Phương Quận Công Ngọ Công Quế cho trùng tu lớn với nhiều công trình kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Đến nay, chùa chỉ còn toà tam bảo, nhà tổ và hệ thống tháp tổ. Toà tam bảo quay về hướng Tây Nam gồm có tiền đường và phật điện. Tiền đường 5 gian, các vì kèo kết cấu thượng câu đầu trụ giá chiêng, hạ kẻ. Phật điện 4 gian, kết cấu thượng câu đầu cánh ác, hạ kẻ chàng. Mõm kẻ, cửa võng, chạm khắc tứ linh, tứ quý. Hệ thống tượng phật tạo theo phong cách thời Lê - Nguyễn, có 70 pho tượng, trong đó có 4 pho đặt trong hang đá, được bài trí ở tam bảo. Sau toà tam bảo là nhà tổ 5 gian. Quanh khu vực chùa còn có 5 tháp gạch cổ (2 tháp còn nguyên vẹn) là Quang Minh và Ân Quan, là nơi đặt xá lỵ của Hoà thượng Pháp tự Như Viên, Giác thiền sư. Còn 3 câu đối cổ bằng gỗ và tấm bia đá tạo năm 1700 đặt ở nhà tổ ghi việc trùng tu toà thượng điện của “Thánh Lộ tự”. Trong Cách mạng tháng 8/1945 và trong kháng chiến chống Pháp, chùa Chèo cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương nên đã được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 86/QĐ-CTngày 30/01/2004. Ngày nay chùa Chèo là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân 03 thôn Quế Sơn - Giang Tân - Đồng Tân. Hội chùa được mở vào ngày 22 - 23 tháng giêng âm lịch hàng năm.

* Đình - Chùa Trung Sơn: Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

 Chùa Trung Sơn (tức Linh Sơn tự) được tạo dựng ở thế kỷ XVII. Chùa cũ bị tháo dỡ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1996 dân làng hưng công xây lại 1 ngôi chùa nhỏ theo kiểu chữ “ĐINH” (T) gồm 3 gian tiền đường, 2 gian Phật điện hướng Tây Nam. Hệ thống tượng phật mới được tô đắp. Sân chùa có 4 bia đá Hậu Phật tạo vào năm 1798 và 1846. Có 1 bài vị đá “Hậu Phật bi ký”  của Đại tư đồ Cẩm Quận Công Trần Đình Cẩm. Hàng năm, hội chùa được mở vào ngày 06 - 07 tháng giêng âm lịch.

Đình Trung Sơn được tạo dựng ở thế kỷ XVIII, thờ Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, gồm đại đình 3 gian, 2 dĩ, hậu cung 2 gian 1 chái, kết cấu thượng chồng rường, hạ con chồng kẻ đón và 2 giải vũ. Cửa võng làm vào thời Nguyễn có chạm khắc và sơn son lộng lẫy. Còn bộ đòn kiệu, ngai thờ, bài vị, hòm sắc, quán tẩy, án thờ …Đình đã bị tháo dỡ trong thời kỳ chống Pháp, chỉ còn hậu cung. Năm 1993 địa phương làm lại 3 gian tiền đường, quá giang gác tường, kèo kìm bằng gỗ bạch đàn. Còn các đồ thờ và 3 tấm bia đá “Kính điển tại đức bi” (1875), “Sùng đức bi ký” và “Sáng lập hậu thần bi ký”…

Ngoài hệ thống đình, chùa, lăng tẩm, ở Thái Sơn còn có các miếu, điếm, nghè, nhà thờ họ … tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng góp phần phản ánh đời sống tinh thần của người dân Thái Sơn.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,559
Tổng số trong ngày: 36
Tổng số trong tuần: 35
Tổng số trong tháng: 2,336
Tổng số trong năm: 16,529
Tổng số truy cập: 40,212