|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Thái Sơn là xã có bề dày truyền thống lịch sử - văn hiến - cách mạng và hiếu học.

Trước hết khẳng định Thái Sơn là vùng đất cổ, có làng cổ, tiêu biểu như làng Thái Thọ, Quế sơn, có con người định cư lâu đời và liên tục. Vào những năm 60 của thế kỷ trước tìm thấy những hiện vật bằng đồng như lưỡi câu, mũi tên, mũi lao, nhạc cụ, đồ trang sức ở Thái Sơn, Hoàng Vân, cùng thời với di chỉ Đông Lâm, Bắc Lý có niên đại khoảng 3000 - 2500 năm. Quá trình định cư, đây là nơi có nhiều dòng họ như Ngô, Trần, Lê, Nguyễn, Ngọ, Hoàng … đã có hàng chục đời sống đoàn tụ bên nhau, cùng làm nên sự vẻ vang của mảnh đất, con người nơi đây. Nổi trội hơn là họ Ngô, Ngọ, Hoàng, Nguyễn đã đóng góp cho đất nước những nhân tài vào hàng quốc sĩ, danh tước và khanh tướng công hầu. Đó là Tiến sĩ Hoàng Sầm, Tiến sĩ Nguyễn Kính, Thái Sơn Hầu Ngọ Công Văn, Phúc An Hầu Ngọ Công Tuấn, Phương Quận Công Ngọ Công Quế, Đĩnh Quận Công Ngô Công Mỹ, Quận Công Hoàng Công Phụ…

Tiến sĩ Hoàng Sầm - Người làng Thái Thọ sinh năm 1512. Năm 27 tuổi đỗ tiến sĩ (đỗ đầu trong kỳ thi Hội - Hội nguyên), thi Đình được ban Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh - Thám Hoa, Khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Hoành Phúc Bá, sau được phong Hoành Phúc Hầu.

Cùng thời với tiến sĩ Hoàng Sầm, trên đất Thái Sơn còn có tiến sĩ Nguyễn Kính - ông sinh năm 1522, ở làng Quế Trạo (tức Quế Sơn). Năm 38 tuổi (có tài liệu ghi 30 tuổi) ông đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Quang Bảo thứ 5 (1559) đời Mạc Phúc Nguyên. Năm 1580 ông đi sứ nhà Minh, khi về được nhà Mạc thăng chức Thượng Thư Bộ Lễ (như Bộ trưởng ngày nay) tước Hương Sơn Hầu rồi về nghỉ, mất tại quê.

Sang thế kỷ thứ XVII, kế thừa tinh hoa thế hệ đi trước, trên đất Thái Sơn đã sinh ra những văn quan võ tướng tài ba lỗi lạc, được tham dự triều chính có công lớn với dân với nước. Đó là Đĩnh Quận Công Ngô Công Mỹ - Ông người làng Thái Thọ sống ở thế kỷ thứ XVII, cụ tổ là một công thần khai quốc, được xếp vào hàng tiên hiền. Cha là Thái Bảo An Hoà Hầu Dương Quý Công (tự Dương Phúc Tâm). Năm 1655 Dương Công Mỹ làm quan trong phủ chúa Trịnh, giữ chức Chánh Vương Phủ, phó Vương Phủ Lưỡng Triều, Trưởng Thái giám, Tổng quản Kinh Bắc - Thái Nguyên kiêm tri thị nội thư tả vệ môn Đĩnh Quận Công. Sau được thăng chức Đô Đốc đồng tri Đĩnh Quận Công. Có công dẹp loạn, 2 lần đi sứ phương Bắc. Được ban thưởng nhiều tiền, ruộng nhưng ông đều cấp cho dân địa phương. Dân nhớ công ơn ấy đã lập am Hiển Khánh (tức lăng Chúa Đôi) thờ ông và là nơi yên nghỉ ngàn thu của ông

Một điều hiếm thấy trong lịch sử và duy nhất ở Hiệp Hoà là dưới triều Lê, xã Thái Sơn có 3 thế hệ thuộc dòng họ Ngọ, nối tiếp nhau làm quan, được gia phong danh hiệu “Tướng quân” thạo cả văn võ, giỏi cả đường trị quốc an dân. Đó là Thái Sơn Hầu Ngọ Công Văn, sinh ra Phúc An Hầu Ngọ Công Tuấn. Ngọ Công Tuấn sinh ra Phượng Quận Công Ngọ Công Quế. Thái Sơn Hầu Ngọ Công Văn, người làng Thái Thọ, sinh ra ở đầu thế kỷ XVII, làm quan thời Lê Trung Hưng, được phong tặng Hiển Cung Đại Phu, chức Lạng Sơn xứ Tán trị thừa chánh sứ tư tham nghị, tước Thái Sơn nam. Sau được gia phong Vũ Liệt tướng quân, Tham đốc thần vũ Tứ vệ quân sự vụ, tước Thái Sơn Hầu. Mộ ông táng ở cánh đồng trước làng Thái Thọ. Ông sinh ra Ngọ Công Tuấn.

Phúc An Hầu Ngọ Công Tuấn được nhà Lê phong: Hiển Cung Đại phu, Thái Nguyên xứ, Tham tán trị thừa Chánh sứ, Tư tham nghị Phúc An tử. Sau được gia phong Huân tướng quân, Tham đốc thần vũ Tứ vệ quân sự vụ, tước Phúc An Hầu. Ông làm quan khoảng 1660 - 1690.

Phương Quận Công Ngọ Công Quý, năm 1713 làm Trấn thủ cai quản xứ Thái Nguyên, Huân phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Bắc quân đô đốc phủ, Đô đốc thiêm sự , được gia phong Tả đô đốc Phương Quận Công và sắc phong “Linh ứng cương nghị minh đạt đức hậu chính thần”. Ông giỏi cả văn võ, tính nết ôn hoà, khoan dung hiếu lễ, được trên yêu dưới kính, người đời nể trọng. Ông có nhiều công lao dẹp loạn. Đem tiền ruộng giúp dân địa phương cứu đói và xây dựng đình chùa, trị thuỷ để thoát nạn úng lụt, nhân dân địa phương nhớ công ơn ông đã lập ông làm Hậu thần và Thành hoàng làng, thờ ở Linh Quang từ cùng tiên tổ họ Ngọ (tức Lăng họ Ngọ ở thôn Thái Thọ)…

Đó là những người con tiêu biểu của xã Thái Sơn, của huyện Hiệp Hoà, là những tấm gương sáng về “Đạo học - đạo làm người” rèn rũa và hạnh lộ quan trường. “Sinh vi tướng, tử vi thần” được vua yêu chúa mến, dân chúng ngưỡng vọng tôn thờ. Làng Thái Thọ được vinh danh là làng Quận Công - Tiến sĩ, rực rỡ khoa bảng của tỉnh Bắc Giang.

Thái Sơn xưa có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng ắt có nhiều lễ hội - một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần của Nhân dân. Những phong tục tập quán, những lễ tết hội làng ở Thái Sơn rất đa dạng phong phú. Quanh năm 4 mùa, mùa nào cũng có lệ, có hội, thường tổ chức tại các đình chùa, đền, miếu từ 1 đến 2 ngày, xong phần Lễ đến phần Hội, trong Hội có các trò chơi, trò diễn dân gian. Hấp dẫn nhất là đánh vật, chọi gà, cướp cầu.

Thái Sơn chính là một trong những lò vật của huyện Hiệp Hoà, có truyền thống và sản sinh ra những đô vật khá nổi tiếng. Mỗi khi trong vùng mở hội, thường thu hút đông đảo người dân và các đô vật của Thái Sơn đến xem và thi đấu. Những ban vật, đô vật các xã cũng nô nức kéo đến để đua sức tranh tài. Lễ hội làng xã đã làm cho con người thân thiện với nhau hơn, gắn bó với quê hương, mở mang tầm nhìn, tạo dựng cuộc sống và những phẩm chất tốt đẹp.

 Cùng với lễ hội là những ngày tết trong năm được người dân Thái Sơn duy trì từ lâu đời. Đặc biệt là tục “ăn tết lại” sau tết Nguyên Đán. Thôn Trung Sơn ăn tết lại kết hợp tổ chức lễ hội đầu xuân trong 02 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng. Thôn Quế Sơn, Giang Tân, Đồng Tân ăn tết lại kết hợp tổ chức lễ hội đầu xuân trong 02 ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng. Thôn Thái Thọ ăn tết lại kết hợp tổ chức lễ hội đầu xuân trong 02 ngày 12 và 13 tháng Giêng.

Ngoài ra, ở Thái Sơn còn duy trì các ngày lễ tết khác như tết Thanh Minh mồng 3 tháng 3, tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5, Rằm tháng 7 xá tội vong nhân (đạo Phật gọi là tết Vu Lan), Rằm tháng 8 (tết Trung thu), tết cơm mới  (mồng 10 tháng 10), tết ông Công ông Táo (23 tháng chạp), Chạp họ …

Một nét đẹp văn hóa đặc trưng nữa của Thái Sơn đó chính là chợ quê. Chợ Chèo - Thái Sơn có hàng trăm năm nay, mỗi tháng họp 12 phiên vào các ngày mồng 1,3,6,8,11,13,16,18,21,23, 26,28 âm lịch. Phiên chợ cuối năm (ngày 28 tháng 12 âm lịch) các gia đình đều cho con cái đi chợ ăn quà, mua sắm quần áo mới với hy vọng năm mới con cái họ sẽ khỏe mạnh, lớn nhanh, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Nằm ven dải sông Cầu, được phù sa bồi đắp, từ thuở khai ấp lập làng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, cần cù sáng tạo trong lao động, Nhân dân Thái Sơn đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh vượt trội, tiêu biểu phải kể đến là “Gạo Nếp cái hoa vàng Thái Sơn”.

Nếp cái hoa vàng là giống lúa được trồng từ rất lâu đời ở Thái Sơn, nghe các cụ cao niên địa phương kể lại trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, xã Thái Sơn có cụ Chánh Kích theo cụ Hoàng Hoa Thám đánh giặc Pháp, cụ Chánh Kích đã vận động, quyên góp mang gạo nếp cái hoa vàng đi cho nghĩa quân của cụ Hoàng Hoa Thám ăn, ai được ăn cũng khen ngon.

Tháng 9 năm 1940 cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, Đảng ta phát động phong trào “Ủng hộ Bắc Sơn”. Tuy đã giáp tết Nguyên Đán, đời sống rất khó khăn, nhưng với lòng yêu nước và tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” giúp nhau trong cơn hoạn nạn, nhân dân xã Thái Sơn đã vận động quyên góp được hơn 300 đồng, 12 bộ quần áo, gần 100 dụng cụ lao động, gần 300 kg gạo (trong đó có 68 kg gạo nếp cái hoa vàng) để ủng hộ cho quân và dân Bắc Sơn đánh phát xít Nhật.

Không chỉ làm lương thực đánh giặc, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn còn được dùng trong các dịp tế lễ. Tương truyền hàng năm, vào dịp Tết cơm mới (ngày 10/10 âm lịch) các thôn làng trên địa bàn xã đều tổ chức làm cỗ làng, thịt lợn và thi làm sôi nén (sôi nén được làm từ gạo nếp cái hoa vàng) để cúng Đức Thánh Tam Giang, sau khi cúng Thánh xong đều chia phần cho các xuất đinh.

Trải qua một thời gian dài, do sâu bệnh phá hoại liên tục, giống lúa nếp cái hoa vàng Thái Sơn tưởng chừng đã mai một, có nguy cơ bị mất giống. Năm 2011 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở những ưu điểm vượt trội của mình, giống nếp cái hoa vàng tiếp tục được phục tráng, chọn lọc, bảo tồn và nhân rộng trên địa bàn toàn xã, đến năm 2014 được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể “ Nếp cái hoa vàng Thái Sơn”.

Kể từ đó đến nay nhãn hiệu, thương hiệu Nếp cái hoa vàng Thái Sơn đã được người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh … biết đến và đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng đất Thái Sơn, nhắc đến Thái Sơn không thể không nhắc đến nếp cái hoa vàng.

Khác với những loại gạo nếp khác, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn có đặc trưng riêng: hạt gạo trắng trong, tròn đều, khi nấu chín rất mềm, dẻo, thơm, khi ăn vị rất đậm đà … được dùng làm quà biếu, làm các loại bánh như: bánh chưng, bánh dày, sôi nén … Đây là thực đơn không thể thiếu trong những ngày lễ, tết, đám hiếu, đám hỷ.

Đến nay “Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn” được bày bán tại các cửa hàng trong huyện và các địa phương lân cận, đặc biệt nếp cái hoa vàng Thái Sơn đã có mặt tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội như: Hapro Mart, Fivimart và trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua. Gạo được đóng túi (5kg/túi) đảm bảo có tem truy xuất nguồn gốc, được kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng.

Năm 2021, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn là một trong 25 sản phẩm được công nhận và tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, đồng thời được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Ai về thăm đất Hiệp Hòà

Nhớ mua làm quà Nếp cái Thái Sơn…

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,102
Tổng số trong ngày: 11
Tổng số trong tuần: 10
Tổng số trong tháng: 2,311
Tổng số trong năm: 16,504
Tổng số truy cập: 40,187